Lao động huyện nghèo được tuyển đi Nhật miễn phí

Ngày đăng: 26/12/2023 - 10:12 Lượt xem: 179

Lao động huyện nghèo được tuyển đi Nhật miễn phí

Lao động 18-30 tuổi trúng tuyển chương trình IM Japan và công ty Nhật tiếp nhận sẽ được miễn chi phí ăn học, chỉ chi tiền visa, vé máy bay.

Ngày 6/7, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết năm 2023 không giới hạn tuyển số lượng thực tập sinh đi làm việc theo Chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan) với hai ngành sản xuất chế tạo và xây dựng. Ứng viên cần trong độ tuổi 18-30, thuộc các huyện nghèo, các xã khó khăn bãi ngang, ven biển.

Lao động trúng tuyển trải qua ba tháng đào tạo dự bị và trả chi phí ăn ở, học phí trong giai đoạn này. 4 tháng chính thức tiếp theo, ứng viên được Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) miễn phí tiền học, tiền ký túc xá lẫn phí học nghề nếu công ty bên Nhật tiếp nhận.

Thời gian làm việc tại Nhật 3-5 năm với mức lương hợp đồng 25-30 triệu đồng mỗi tháng, chưa gồm tiền làm thêm ngoài giờ. Lao động về nước đúng hạn được IM Japan hỗ trợ một triệu yên (khoảng 170 triệu đồng) để khuyến khích lập nghiệp và khoản bảo hiểm hưu trí khoảng 80 triệu đồng.

“Chương trình phi lợi nhuận nên người tham gia chỉ phải trả các khoản như phí khám sức khỏe, hộ chiếu, vé máy bay đi Nhật… tối đa 38 triệu đồng”, lãnh đạo trung tâm cho hay. Chương trình vì thế tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại trụ sở trung tâm hoặc qua bưu điện, không qua trung gian. Người lao động không nộp hồ sơ qua môi giới để tránh mất tiền oan.

Bảng ghi nhớ bên ngoài một lớp đào tạo lao động đi làm việc tại Nhật Bản ở Hà Nội, tháng 5/2023. Ảnh: Hồng Chiêu

Bảng ghi nhớ bên ngoài một lớp đào tạo lao động đi làm việc tại Nhật Bản ở Hà Nội, tháng 5/2023. Ảnh: Hồng Chiêu

IM Japan triển khai từ năm 2006, đến nay đưa được khoảng 8.000 thực tập sinh sang Nhật. Chương trình thực tập sinh kỹ thuật của Nhật Bản ra đời năm 1993 nhằm hỗ trợ lao động các nước đang phát triển học tập kỹ năng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng và chế biến thực phẩm. Mỗi khóa đào tạo không quá 5 năm, lao động sau khi làm việc tại Nhật Bản về nước được kỳ vọng là nguồn nhân lực có trình độ cao trong ngành nghề được đào tạo.

Tuy nhiên, một số chủ lao động cũng lợi dụng chương trình này để tìm nguồn nhân công giá rẻ, khiến thực tập sinh có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng. Hôm 10/4, hội đồng gồm 15 chuyên gia, học giả và quan chức đứng đầu các tỉnh ở Nhật Bản đề xuất loại bỏ chương trình này bởi chỉ tập trung vào “nguồn nhân lực” – yếu tố bị lợi dụng, biến các thực tập sinh thành công nhân làm công việc tay chân do thiếu nhân lực trầm trọng vì già hóa dân số.

Tới cuối năm 2022, cả nước có hơn 600.000 lao động đang làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về gần 4 tỷ USD ngoại tệ theo đường chính ngạch, chưa kể các kênh khác. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là thị trường truyền thống thu hút trên 90% lao động Việt Nam. Nhật Bản có 250.000 người, Đài Loan 230.000 người và Hàn Quốc 40.000 người.

Trả lời

Tin Liên Quan